Chế xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời (Thương những bác xích lô mướt mồ hôi chở khách, ba chàng sinh viên Phạm Hồng Trường, Nguyễn Thành Minh, Lê Hoàng (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) mày mò chế tạo xích lô.)
Tới đây, chiếc xích lô thân thiện môi trường này sẽ được ứng dụng cho ngành du lịch Đà Nẵng.
Dùng nhiệt mặt trời thay sức người
“Dịch vụ xích lô ở Đà Nẵng rất phổ biến, hầu như tuyến đường nào cũng có, vừa chở hàng hóa nhỏ, vừa chở khách du lịch.
Có lần, tụi em bắt gặp những bác tài đã già còng lưng đạp xe lên dốc, phía trước chở đến hai người trông rất vất vả nên nghĩ ngay phải chế tạo xích lô chạy bằng động cơ thay cho sức người”, Phạm Hồng Trường kể.
|
Nhóm sinh viên sáng chế bên chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời. |
Ba bạn trẻ phân vân không biết chọn nguồn năng lượng nào, dùng xăng thì ảnh hưởng môi trường, lại không phù hợp với xích lô, dùng điện sạc lại bất tiện, tốn kém.
Trường đề xuất: “Hay mình dùng năng lượng mặt trời, ở thành phố nhiều nắng như Đà Nẵng, mình sẽ không lo thiếu nguồn năng lượng tự nhiên này”. Ý tưởng quá hay, Minh và Hoàng gật đầu tức khắc.
Không có nhiều kiến thức về sử dụng pin năng lượng mặt trời, cả ba thay nhau lục tung mọi tài liệu, nghiên cứu trên sách và mạng internet, cuối cùng cũng tìm ra nơi bán pin này, nhưng phải đặt hàng tận Hà Nội, TP HCM, chưa kể nhiều đợt gửi hàng về không đúng mẫu phải đổi đi đổi lại.
Minh tếu táo: “Làm chiếc xích lô này em là người chịu thiệt hại nhiều nhất, phải hy sinh chiếc xe đạp điện của mình để lấy động cơ, bộ điều tốc, tay ga, bộ điều chuyển điện... để thiết kế bộ động cơ chạy bằng năng lượng điện chuyển hóa từ tấm pin mặt trời.
Hai bạn kia không có gì để “cống hiến” cho ý tưởng nên phải ra bãi phế liệu mua lại chiếc xích lô…nát tươm.
Hôm mang về ba đứa ngồi cười, vì đụng đâu hư đó, phải bỏ công gia cố lại khung xe, thay lốp, sơn sửa. Mất mấy tháng trời chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời mới hoàn thiện”.
Bốn tấm pin năng lượng mặt trời đặt ở phần mái che, sau khi nạp đầy năng lượng sẽ chuyển xuống bộ chuyển hóa điện năng đặt phía dưới ghế ngồi rồi nạp vào bình ắc quy. Bình ắc quy nối với bộ điều tốc lắp ở gần tay lái để khởi động động cơ, báo tốc độ.
Nếu ắc quy được sạc đầy, chiếc xích lô có thể chạy liên tục từ 6-8 tiếng. Vào mùa mưa, khi lượng nắng ít, chiếc xích lô vẫn có thể hoạt động tốt bằng cách sạc điện.
“Chiếc xích lô này có thể chở được khoảng 200 kg, tương đương với ba người. Như vậy là những bác tài già yếu có thể vô tư chở du khách đi dạo phố mà không cần tốn sức đạp xe”, Hoàng vui vẻ nói.
Ứng dụng vào thực tế
Chiếc xích lô đã hoàn thiện và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ nhà trường và Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng. Nhóm vẫn muốn dành thêm thời gian để tìm loại pin mặt trời dạng dẻo thay thế các tấm pin nặng, phẳng, thiếu thẩm mỹ trên mái che.
“Tụi em tận dụng toàn đồ cũ nên hình dáng chiếc xe không được đẹp, phải thiết kế lại để trông mềm mại hơn.
Sau này nếu triển khai rộng ứng dụng này bằng cách lắp bộ động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời vào các xe xích lô du lịch có sẵn, thì chi phí trên 10 triệu/xe. Số tiền này hoàn toàn không nhiều, nhưng cả nhóm vẫn đang tìm cách để tiếp tục giảm tiếp chi phí.
Bởi mục tiêu của nhóm là sáng tạo phải ứng dụng được với thực tế, càng đưa nhiều xe này vào hoạt động thì giảm sức lao động càng cao, lại thân thiện với môi trường và tạo dựng một hình ảnh đẹp của thành phố Đà Nẵng trong mắt du khách”, Minh Hoàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Sản phẩm này rất phù hợp với đội xích lô du lịch của thành phố, vừa đỡ sức người, vừa tận dụng năng lượng mặt trời rất thân thiện với môi trường.
Trung tâm đã gặp gỡ và hướng dẫn các bạn làm đề án trình bày ứng dụng sáng kiến này ra thực tế, đồng thời liên hệ với các đơn vị chức năng để xin hỗ trợ giúp các bạn có động lực tiếp tục cải tiến sản phẩm nhằm tăng hiệu suất, chi phí hợp lý, tăng tính thẩm mỹ phù hợp phục vụ du lịch.
Sau khi sản phẩm được nghiên cứu hoàn thiện, trung tâm sẽ sản xuất thí điểm 10 chiếc để phục vụ du lịch”.